Thành tựu đạt được

VIỆN KIỂM NGHIỆM THUỐC
TRUNG ƯƠNG

National Institute of Drug Quality Control

1. Kiểm nghiệm chất lượng thuốc

       Hàng năm, Viện đã kiểm nghiệm khoảng 3000 mẫu thuốc trong nước từ các công ty Dược, Công an, Thanh tra và Quản lý thị trường; các mẫu từ mẫu Quỹ toàn cầu (Global fund), các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới… gửi tới và các mẫu thuốc do Viện đi lấy trên thị trường. Đồng thời, Viện đã tiến hành thẩm định hàng nghìn tiêu chuẩn thuốc và thử tương đương sinh học cho hàng trăm thuốc trong và ngoài nước phục vụ cho công tác quản lý chất lượng thuốc lưu hành tại Việt Nam. Qua công tác kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, Viện đã tham mưu một cách có hiệu quả cho Bộ Y tế trong việc quản lý chất lượng thuốc và chính vì vậy tỉ lệ thuốc kém chất lượng, thuốc giả được kiểm soát và thấp nhất trong khu vực.

2. Thiết lập chất chuẩn và chất đối chiếu

        Cũng như các Viện Kiểm nghiệm thuốc của các quốc gia trên thế giới, Viện rất quan tâm đến việc thiết lập chất chuẩn và chất đối chiếu phục vụ cho công tác kiểm nghiệm. Vì đây là khâu rất quan trọng nhằm đảm bảo độ chính xác của kết quả kiểm nghiệm. Tính đến hết năm 2016, Viện đã chủ trì thiết lập được 21 chuẩn ASEAN, tham gia thiết lập 02 chuẩn của WHO, 01 chuẩn USP (Chất chuẩn của Hội đồng Dược điển Mỹ) và tham gia đánh giá hợp tác với các nước trong khu vực được 39 chất trong quỹ chuẩn ASEAN gồm hơn 220 chất các loại. Để phục vụ công tác kiểm tra chất lượng thuốc trong nước, Viện đã thiết lập được gần 400 chất chuẩn hóa học, trên 100 chuẩn dược liệu và gần 30 chất chuẩn chiết từ dược liệu. Hiện nay, Viện có tổng số trên 850 chất chuẩn các loại phục vụ cho kiểm tra chất lượng thuốc.

3. Nghiên cứu và ứng dụng khoa học–công nghệ

        Từ năm 2006 đến nay, Viện đã chủ trì 06 đề tài và tham gia thực hiện trên 15 đề tài cấp Nhà nước, chủ trì trên 14 đề tài cấp Bộ và trên 81 đề tài cấp cơ sở từ năm 2006 đến nay. Kết quả các đề tài nghiên cứu đều được áp dụng trong công tác kiểm nghiệm thuốc và được công bố trên các tạp chí chuyên ngành. Kết quả của các đề tài được các cơ sở kiểm nghiệm trên cả nước ứng dụng trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đặc biệt là các đề tài nghiên cứu triển khai các thiết bị phân tích hiện đại trong phân tích kiểm nghiệm các thuốc sinh học và các dạng thuốc đặc biệt.

4. Đào tạo cán bộ:

        Một số cán bộ của Viện đã và đang là giảng viên kiêm nhiệm tại trường đại học Dược Hà Nội và Học viện Quân y. Trên cơ sở thực hiện các đề tài khoa học, Viện đã kết hợp với các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh làm luận văn,  luận án tốt nghiệp. Từ năm 2016 Viện đã được Bộ Giáo dục đào tạo cho phép đào tiến sĩ chuyên ngành Kiểm nghiệm – Độc chất.

        Là một Viện đầu ngành, hàng năm Viện đã mở các lớp đào tạo lại, đào tạo nâng cao hoặc đào tạo tại các cơ sở về kỹ thuật kiểm nghiệm thuốc và quản lý phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn GLP và ISO/IEC 17025 cho của Hệ thống kiểm nghiệm và các phòng kiểm tra chất lượng của các doanh nghiệp.

        Đảng uỷ và lãnh đạo Viện luôn chú trọng lựa chọn, đào tạo và quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý kế cận từ cấp khoa/phòng đến cấp Viện.

5. Chỉ đạo tuyến:

        Hàng năm, Viện cử nhiều luợt cán bộ đi chỉ đạo về chuyên môm, kỹ thuật kiểm nghiệm và phòng chống thuốc kém chất lượng, thuốc giả cũng như triển khai thực hiện GLP, ISO/IEC 17025 cho 62 Trung tâm kiểm nghiệm và các Phòng kiểm tra chất lượng của các doanh nghiệp trong cả nước.

6. Thông tin khoa học

        Từ năm 1969, Viện đã duy trì việc xuất bản đều đặn Tập san Thông báo Kiểm nghiệm và đến năm 2003 được Bộ Văn hoá Thông tin cho phép nâng cấp thành Tạp chí Kiểm nghiệm thuốc. Tạp chí Kiểm nghiệm thuốc được xuất bản đều đặn hàng quý để đăng tải các kết quả và công trình nghiên cứu liên quan đến kiểm tra chất lượng thuốc của toàn bộ hệ thống kiểm nghiệm.

7. Xây dựng Dược điển và Dược thư Quốc gia.

         Trung tâm Dược điển-Dược thư quốc gia là đơn vị hành chính trực thuộc Viện nhằm giúp Chủ tịch Hội đồng Dược điển và Dược thư triển khai kế hoạch hàng năm do Bộ trưởng Bộ Y tế giao. Năm 2016 Dược thư Quốc gia II đã được giải vàng sách hay Việt Nam.

8. Công nghệ thông tin

         Viện đã trang bị được phòng máy chủ đủ mạnh và hệ thống mạng LAN, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động chuyên môn và quản lý.

         Đã xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử của Viện. Mọi thông tin về Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (NIDQC) có thể xem trên website: http://nidqc.org.vn/

9. Quan hệ quốc tế

        + Chuyên môn: Viện mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới(WHO), , UNDP, IPMA, JICWELL, JPMA, KPMA, ASEAN, Quỹ Toàn cầu (Global Fun)… cũng như  Viện kiểm nghiệm của các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Thuỵ Điển, Slovakia, Nga về học tập, trao đổi  kinh nghiệm chuyên môn kỹ thuật, quản lý và phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

        + Đào tạo cán bộ: Viện đã và đang hợp tác với các trường đại học ChungNam, SungKyawan… (Hàn Quốc), Trường Đại học Paris V, Paris XI…( Pháp) và các trường đại học khác của Mỹ, Úc, Nhật Bản trong việc đào tạo cán bộ trên đại học cho Viện. Hàng năm Viện cử nhiều cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài cũng như tiếp nhận đào tạo cán bộ cho các nước trên thế giới theo sự phân công của WHO và các tổ chức quốc tế khác.

        + Hợp tác trong xây dựng Dược điển và thiết lập chất chuẩn

            Hội đồng Dược điển Việt Nam đã và đang hợp tác với 16 Hội đồng Dược điển của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới về sự hoà hợp trong biên soạn, thẩm định các chuyên luận Dược điển theo Thực hành tốt Biên soạn Dược điển. Và từ năm 2007 đến nay, Hội đồng Dược điển Việt Nam là quan sát viên của Hội đồng Dược điển Mỹ và Hội đồng Dược điển Châu Âu.

            Từ năm 1995, Viện là thành viên của Tổ chức các nước ASEAN và là quan sát viên của WHO trong việc thiết lập chất chuẩn. Đã tham gia thử nghiệm thành thạo và đánh giá liên phòng thí nghiệm 53 lần trên 20 phép thử với gần 40 phòng thí nghiệm thuốc của các nước trên thế giới do EC-ASEAN và WHO tổ chức. Các phòng thí nghiệm của Viện được các Tổ chức này đánh giá là có năng lực cao trong kiểm nghiệm thuốc.

10. Thực hiện quản lý theo ISO/IEC 17025 và GLP

            Viện đã và đang thực hiện Hệ thống quản lý  theo ISO/IEC - 17025 từ năm 2001, Tiêu chuẩn thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc (GLP) từ năm 2004. Đặc biệt từ năm 2008 đến nay Viện được công nhận đạt tiêu chuẩn Phòng thí nghiệm tiền đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).